Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Sống để cho đi


"Trẻ vô tâm, chuyện thường ngày?" Bài viết này trên Tuổi Trẻ online nói lên thực trạng trẻ em và các bạn trẻ không 'cảm’ được nỗi đau khổ của người khác, của cha mẹ, của những người bạn cùng trang lứa, đang diễn ra có thể nói là hằng ngày. Người ta đặt câu hỏi tại sao và tại sao?
Người mẹ có cô con gái học lớp 11 chia sẻ về nỗi buồn khi chị ấy bệnh đã làm mất buổi đi chơi của cô bé trong đêm Noel với bạn bè, vì phải chăm sóc mẹ. Cô bé tỏ ra rất khó chịu. Kết thúc bài chia sẻ, chị viết: "Vì thương con học ngày học đêm cho bằng bạn bằng bè, cho có tương lai sáng láng mà một người mẹ như tôi không nề hà bất cứ điều gì để chăm sóc con: cơm bưng nước rót tới tận phòng, mỗi sáng sớm tranh thủ đi mua đồ ăn cho con, dành cho con thêm vài phút ngủ say...

Bây giờ tôi giật mình khi chứng kiến con gái chỉ quen nhận sự chăm sóc, nuông chiều từ cha mẹ mà không biết làm điều ngược lại là quan tâm chăm sóc cha mẹ, dù chỉ bằng một vài câu hỏi thăm, một bữa ăn sáng...

Những đứa trẻ vô tâm như con gái tôi ngày càng nhiều. Với những người thân yêu nhất, các con còn có thể đối xử như vậy thì mong chờ gì các con sẽ đối xử tốt, sống chan hòa, yêu thương mọi người?" 
Một chuyện vô cảm khác: Khi cô giáo thấy lớp 10A 1 - gồm 35 em - không ai tự giác cầm chai nước tưới cho cây, không ai thấy cây đang héo khô dần trong vô vọng. Nếu cây biết kêu la chắc gì các em đã nghe thấy, vì ai cũng luôn mải mê dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh.
Bình luận bài "Trẻ vô tâm, chuyện thường ngày"- PRINCE1991 nói lên những nguyên nhân gây vô cảm nơi trẻ: “Thứ 1: Gia đình: Thiếu sự hiểu biết về cách dạy, cách quan tâm với con... học, học và học để đua với con người ta; Thứ 2: Hệ giáo dục của VN chạy theo thành tích, gây áp lực về học tập lớn... không giúp hoàn thiện về thể chất và tinh thần!; Thứ 3: Môi trường, quá nhiều cám dỗ...”
Còn bạn Nguyễn Trung Hiếu thì nhận định:
“Cũng khó, cha mẹ luôn tâm niệm không muốn con cái mình thua kém con người ta, không muốn con cái mình cực khổ như mình ngày xưa, nên cái gì cũng giành hết cho con cái. Như đứa cháu nhà tôi mới học lớp mầm, không biết phụ huynh nào nghĩ ra chuyện tổ chức sinh nhật cho con trên lớp, đem nguyên cái bánh kem lên lớp, rồi mỗi học sinh được phát một gói bánh (Nên thành cái lệ hễ sinh nhật là tổ chức trên lớp). Cháu vui lắm khi nhận được bánh và cũng mong đến sinh nhật mình để được tổ chức trên lớp như các bạn, rồi cũng phát bánh cho các bạn. Mà có ít gì, lớp có 46 em phát 46 gói bánh... Với gia đình em tôi thì không thành vấn đề nhưng với những gia đình khó khăn thì lại là một vấn đề lớn. Tổng chi cho buổi sinh nhật đó trên 600K: bánh kem 350K + 250K cho những gói bánh phát cho các học sinh chưa kể những thứ khác thường có trong buổi sinh nhật như: bong bóng, 46 đĩa + muỗng dùng một lần để các cháu ăn bánh kem, pháo giấy v.v...”
Có thể chúng ta đồng tình hay không đồng tình với những bình luận trên đây, nhưng phải chăng đây cũng là những tiếng nói mời gọi những người có trách nhiệm hình thành nhân cách của trẻ ý thức hơn trách nhiệm của mình?
Tôi thường hay lên Facebook của các em học trò của tôi, hay những bạn trẻ tôi kết bạn, tôi thấy một thực trạng rất đáng lo ngại cho ý thức quan tâm, giúp đỡ hay nhận định vấn đề tốt xấu. Đọc những thông tin, nhất là những tin tiêu cực dẫn đến sự chết, thì các bạn thích bình luận, đưa ý kiến và "ném đá" không thương tiếc, với những lời lẽ kết án, bội nhọ, hay những lời nói thiếu văn hóa. Họ không biết rằng những chỉ trích của họ đã phần nào nói lên được tính cách con người của họ. Cho mình là hiểu biết, khôn ngoan nhưng kỳ thực họ chẳng biết gì. Vì họ chỉ đọc, nhìn thấy những gì trước mặt họ mà họ không thấy hậu quả, và đằng sau của một sự việc.
Nhân dịp đọc bài chia sẻ về sự "vô tâm" của trẻ, tôi thấy nguyên nhân cũng từ sự quá nuông chiều và dễ dãi của các bậc phụ huynh, cho các em sử dụng các phương tiện truyền thông mà không kiểm soát. Có em không thể bỏ cái điện thọai khi thấy mẹ đi chợ về với bao nhiêu đồ đạc cần được giúp đỡ chuyển vào bếp. Hay các em vô tâm đến nỗi thấy nhóm bạn đánh nhau, thay vì can ngăn, các em lại cổ vũ, reo hò và quay phim đưa lên mạng. Thế giới ảo đã thống trị các em đến khủng khiếp.
Nhóm nữ sinh Trường THCS Trần Phú đánh bạn trong trường học, chiều 12-1 vừa qua đã bị kỷ luật. Xem video clip các em đánh nhau mà lòng tôi thấy quặn đau.
Trẻ bây giờ cần phải được các bậc cha mẹ, các thầy cô và những người có trách nhiệm đồng hành, hướng dẫn và đặc biệt lôi các em ra khỏi thế giới ảo, để sống thật, và biết quan tâm đến người khác.
Hình ảnh Chúa Giêsu đến nhà Simon và Anrê khi bà nhạc gia của họ cảm sốt là một tấm gương. Chúa đã tiến lại gần, cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt. Chiều đến Chúa dành thời gian để chữa bệnh cho nhiều người, người ta tìm đến Chúa ngày càng nhiều. Tuy nhiên Chúa vẫn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện, để nhờ cầu nguyện, Chúa được Chúa Cha tăng sức hầu tiếp tục đi rao giảng. Chúa luôn quan tâm đến nhu cầu của người khác. Chúa đem lại cho họ niềm vui, sự bình an và hạnh phúc.
Lạy Chúa, ngày hôm nay con người dễ sống xa lạ, xa cách, việc ai nấy làm, đèn nhà ai nấy sáng, và không muốn hi sinh giúp đỡ người khác. Xin Chúa cho các bạn trẻ có trái tim của Chúa, trái tim biết chạnh lòng thương, trái tim tràn đầy yêu thương để sẵn sàng cúi xuống giúp đỡ cha mẹ thầy cô bạn bè và những người xung quanh.
29 Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. 30 Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. 31 Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.
32 Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; 33 và cả thành tụ họp trước cửa nhà. 34 Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. 35 Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. 36 Simon và các bạn chạy đi tìm Người. 37 Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". 38 Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". 39 Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét